Đồ ăn:
Gạo 5kg: 1500 yên ~ (trung bình: 2000 yên)
Thịt bò: 200 yên/100g ~
Thịt heo: 150 yên/100g ~
Sườn heo: 100 yên/100g ~
Thịt gà: 100 yên/100g ~
Cải thảo: 200 yên
Cải bắp: 100 yên ~ (trung bình: 200 yên)
Dưa leo: 100 yên ~ 200 yên / 3 trái
Rau: 100 yên ~ 200 yên / bó
Cà chua: 100 yên / 1 trái
Chuối: 100 yên / trái
Táo tây: 100 yên / trái ~
Đào: 200 yên / trái ~ (trung bình: 400 yên)
Hồng: 100 yên / trái ~
Cá: 100 yên/100g ~ (trung bình: 200 yên/100g)
Đường: 200 yên/kg
Muối: 200 yên/kg
Nước mắm: 400 yên/chai 300ml
Mỳ gói: 100 yên/gói
Cơm bình dân: 400 yên ~ (trung bình: 600 yên)
Mỳ ramen: 600 yên ~ 900 yên / tô
Mỳ soba, mỳ udon: 400 ~ 700 yên / tô
Cơm phần (teishoku): 600 ~ 1,200 yên/phần
Đồ uống:
Nước máy (ở Nhật nước máy uống được ngay): 0 yên
Chai nước khoáng 1.5L: 100 ~ 200 yên
Trà xanh 1.5L, hồng trà 1.5L, trà sữa 1.5L: 200 yên
Sữa tươi nguyên chất: 200 yên / hộp 1 lít
Sữa tươi 50%: 100 yên / hộp 1 lít ~
Bia lon: 200 yên/lon
Rượu hoa quả: 200 yên/lon
Nước quả (táo, cam): 100 ~ 200 yên / hộp 1 lít
Vật dụng cá nhân:
Xe đạp: 10,000 yên ~ 20,000 yên
Nệm: 5,000 yên ~
Chăn mùa đông: 5,000 yên ~
Chăn mỏng mùa hè: 2,000 yên ~
Quạt máy: 3,000 yên ~
Máy sưởi điện mùa đông: 3,000 yên ~
Quần tây: 3,000 yên ~ (trung bình: 5,000 yên)
Giày tây: 3,500 yên ~ (trung bình: 6,000 yên)
Áo sơ mi: 1,000 yên ~ (trung bình: 2,000 ~ 3,000)
Áo thun: 1,000 yên ~ (trung bình: 2,000)
Áo khoác mỏng: 1,000 yên ~ (trung bình: 2,000 ~ 3,000)
Áo khoác mùa đông: 5,000 yên ~
Giày thể thao: 3,000 yên ~ (trung bình: 6,000 yên)
Vớ chân: 100 yên/đôi
Quần jean: 2,000 yên ~
Đồ sinh hoạt:
Tủ lạnh: 20,000 yên ~
Tủ lạnh cũ: 6,000 yên ~
Máy giặt: 20,000 yên ~
Máy giặt cũ: 6,000 yên ~
Lò vi sóng: 8,000 yên ~
Nồi cơm điện: 4,000 yên ~ (trung bình: 6,000 yên)
Nồi: 1,000 yên ~
Chảo: 1,500 yên ~ (trung bình: 2,000 yên)
Chén: 100 yên/cái ~
Đũa: 100 yên/3 đôi ~
Dao: 100 yên/cái ~
Giao thông:
Taxi: 600 yên/km
Tàu điện: 50 yên/km (ước lượng)
Xe bus: 50 yên/km
Xe bus cao tốc (chạy liên tỉnh ban đêm): 4,000 yên ~ 10,000 yên/lượt
Tàu shinkansen (siêu tốc): 6,000 yên / cự ly 200 km
Chi phí cố định:
Điện: 2,000 yên ~ / tháng
Tiền điện nếu dùng máy lạnh: 5,000 yên ~ / tháng
Tiền điện nếu dùng máy sưởi: 5,000 yên ~ / tháng
Nước: 2,000 yên ~ / tháng
Ga: 1,000 yên ~ / tháng (trung bình 2,000 yên nếu dùng nhiều)
Điện thoại: 1,200 yên ~ / tháng (trung bình: 2,000 ~ 4,000 yên)
Internet: 2,500 yên ~ / tháng (trung bình: 3,000 yên/tháng)
Bảo hiểm quốc dân: 2,000 ~ / tháng (1,200 yên/tháng nếu bạn chưa có thu nhập)
Tiền nhà:
Nhà không có nhà tắm tại Tokyo: 25,000 yên/tháng ~ (trung bình: 30,000 ~ 40,000 yên / tháng)
Tắm công cộng: 450 yên/lượt
Nhà có nhà tắm: 50,000 yên/tháng ~ (trung bình: 60,000 yên/tháng)
Nhà chung cư: 80,000 yên ~
Ký túc xá: 20,000 ~ 30,000 yên/tháng
Vùng nông thôn: 20,000 yên/tháng ~
Một lần chuyển nhà: Cần chuẩn bị số tiền 3 ~ 5 tháng (0 ~ 1 tháng tiền ra mắt, 1 ~ 2 tháng tiền cọc, 1 tháng tiền nhà đầu tiên, 1 tháng trả cho môi giới bất động sản). Ví dụ nếu bạn thuê nhà là 40,000 yên thì bạn cần chuẩn bị tối thiểu 40,000 x 4 = 160,000 yên.
Làm thêm:
800 ~ 1000 yên / giờ
(Tối đa 28 giờ/tuần trong kỳ học và 56 giờ/tuần trong kỳ nghỉ)
Ví dụ chi phí hàng tháng
Chi phí sinh hoạt hàng tháng:
Tiền ăn (tự nấu): 20,000 yên
Tiền điện: 3,000 yên
Tiền nước: 2,000 yên
Tiền điện thoại: 2,000 yên
Tiền internet: 2,000 yên
Tiền đi lại: 5,000 yên
Bảo hiểm quốc dân: 1,000 yên (khi bạn chưa có thu nhập)
Tiền nhà: 30,000 yên
Tổng cộng: 65,000 yên / tháng
Tuy nhiên cũng có rất nhiều cách để tiết kiệm chi phí như sống cùng với bạn (có thể giảm các chi phí cố định xuống một nửa, nhất là tiền nhà), tự nấu ăn, thuê nhà ở xa để tiết kiệm tiền nhà, hạn chế đi lại, v.v... Trên thực tế có nhiều người có thể giảm chi phí xuống 40,000 ~ 50,000 yên/tháng.
Bí quyết giảm chi phí cố định: Thuê nhà đủ rộng để chia sẻ chỗ ở với càng nhiều người càng tốt (4-5 người).
Ở trên là giá sinh hoạt tại các thành phố lớn như Tokyo, Osaka. Khi bạn sống ở các tỉnh khác thì chi phí cũng rẻ hơn, bằng khoảng 75% ~ 85% (trung bình 80%) các chi phí ở trên.
Nước uống ở Nhật Bản
Ở Nhật điều khác Việt Nam nhất trong nước uống là nước máy tại Nhật có thể uống được luôn. Nước máy ở Nhật (có mặt khắp nước Nhật) là nước sạch và đã được tiệt trùng kỹ càng nên bạn sẽ không gặp vấn đề gì về sức khỏe nếu uống trực tiếp. Tuy nhiên, người Nhật lại rất kỹ tính trong việc chọn "nước ngon", "nước ngon" ở đây là nước tinh khiết lấy từ trên núi cao (do tuyết tan ra), thường được đóng chai 2 lít. Một số siêu thị cung cấp dịch vụ cung cấp miễn phí nước ngon (đã qua máy lọc chất lượng cao) với điều kiện bạn mua bình nước (giá khoảng 500 yên) của họ. Bạn có thể mang bình đi lấy nước về uống mỗi khi đi siêu thị.
Ngoài ra, người Nhật cũng là nước tiêu thụ sữa và các loại nước quả nguyên chất rất lớn. Đây là các loại đồ uống và giá cả phổ biến tại Nhật:
- Nước tinh khiết: 150 yên ~ / chai nhựa 2 lít
- Sữa tươi nguyên chất: 200 yên ~ / hộp giấy 1 lít
- Nước trái cây nguyên chất (táo, cam, bưởi,...): 200 yên ~ / hộp giấy 1 lít
- Nước trái cây pha (ví dụ tỷ lệ nguyên chất 10%, 20%, 30%,...): 100 yên ~ / hộp giấy 1 lít
- Các loại trà đóng chai: Trà xanh, trà ô long, hồng trà, trà chanh, trà đào, trà táo,... : 200 yên ~ / chai 1.5 lít
Việc đi lại tại Nhật
Đi làm, đi học bằng tàu điện
Nhật Bản khác Việt Nam ở chỗ hầu như rất ít người dùng xe máy. Lý do là vì hệ thống giao thông công cộng tại Nhật rất phát triển. Trong các thành phố lớn, bạn chỉ cần đi bộ 5 ~ 15 phút là sẽ ra được ga tàu gần nhất. Đi lại bằng tàu điện tại Nhật rất thuận lợi, vì một số lý do:
- Thời gian chính xác tuyệt đối, có bảng thời gian đàng hoàng nên bạn có thể lên kế hoạch đi làm, đi chơi mà không lo trễ giờ
- Giá cả phải chăng (tàu điện là một ngành mà các công ty tư nhân kinh doanh): Thường bạn phải trả 500 yên cho 30 phút đi tàu (vận tốc trung bình: 40 km/h)
- Mùa hè có máy lạnh, mùa đông có máy sưởi ấm
Để đi lại quanh khu vực bạn sống như đi chơi, đi mua sắm, ... thì bạn nên có xe đạp (giá khoảng 10.000 yên). Vì đường phố bên Nhật trong các khu dân cư rất vắng, nên bạn có thể đi xe đạp thoải mái (điều này rất khác Việt Nam). Ngoài ra, ở các đường xe hơi chạy, bạn sẽ đi xe đạp trên vỉa hè cùng với người đi bộ. Vỉa hè ở Nhật Bản rất thông thoáng và người Nhật cũng rất có ý thức tránh xe nên bạn có thể đi mà không gặp trở ngại. Nếu bạn có xe đạp bạn có thể đạp đi khắp thành phố một cách dễ dàng. Có mấy việc bạn cần chú ý:
- Người Nhật đi bên trái, nếu qua đường phải quan sát bên trái thay vì bên phải như Việt Nam
- Tuyệt đối tuân thủ tín hiệu đèn đỏ. Nếu bạn vượt đèn đỏ mà bị tông xe thì thậm chí bạn còn phải bồi thường thiệt hại cho người kia vì bạn sai luật.
Xe buýt
Ở một số vùng ngoại ô và nông thôn thì bạn sẽ có thể phải đi xe bus (nếu bạn không có xe hơi). Ngoài ra trong thành phố cũng sẽ có một số tuyến xe buýt nếu đi tàu không tiện lợi. Tùy tuyến xe buýt mà cách trả tiền khác nhau:
- Trả tiền trước: Đồng giá từ bến đầu tới bến cuối, ví dụ 200 yên / lượt
- Trả tiền sau: Bạn lấy số khi lên xe buýt (có máy tự động, chỉ cần ấn nút), khi xuống bạn nhìn lên bảng điện tử của xe và trả đúng số tiền đó.
Cách đi tàu điện
Tàu điện của Nhật sử dụng vé để đi lại. Để đi tàu, bạn đến ga, sẽ có máy bán vé tự động (切符自動販売機 kippu jidou hanbaiki = thiết phù tự động phán mại cơ). Bạn bỏ tiền vào khe và máy sẽ hiện các giá vé bạn có thể mua. Bạn phải kiểm tra xem quãng đường bạn đi bao nhiêu tiền và ấn vào ô có cùng giá vé. Một vé từ tính (mặt trước ghi ngày tháng, ga mua vé, mặt sau màu đen của vật liệu từ tính) sẽ được máy nhả ra. Bạn cầm vé này qua cổng soát vé (改札 kaisatsu) tự động (nhét vào khe máy) và máy soát vé sẽ trả lại vé đã đục lỗ đầu bên kia. Nhớ cầm lại vé nhé! Khi tới ga đích, bạn xuống và nhét vé vào máy soát vé, máy sẽ nuốt vé luôn và bạn đi ra.
Nếu bạn mua vé tàu rẻ nhất và tới ga đích không xuống được vì không đủ tiền?
Cách 1: Bạn sẽ thấy có máy chỉnh tiền vé (精算機 seisanki = tinh toán cơ), đưa vé của bạn vào khe như hướng dẫn, máy sẽ báo số tiền bạn cần bỏ thêm. Bạn bỏ tiền vào (lấy lại tiền lẻ nếu có) và máy sẽ trả lại vé mới cho bạn. bạn cầm vé này ra.
Cách 2: Bạn đến gặp nhân viên nhà ga ngồi ở cổng soát vé. Họ sẽ tính số tiền bạn phải trả thêm và mời bạn ra luôn hoặc cấp cho bạn một vé mới cho bạn ra.
Cách 3: Đạp cửa xông ra.... nhưng phải ráng tự làm tự chịu!
Ngoài dùng vé từ ra, bạn có thể dùng các thẻ trả trước như sau:
- Thẻ từ trả trước: Bạn đăng ký thẻ từ và nạp tiền ở máy nạp tiền tự động ở ga. Mỗi lần đi bạn sẽ không cần mua vé nữa mà cứ thể bỏ thẻ từ vào máy soát vé. Tiền sẽ được trừ dần.
- Thẻ SUICA: Thẻ có các thông tin bên trong. Có cả loại thẻ nối với tài khoản ngân hàng hay tín dụng của bạn và tự động nạp tiền khi hết, tuy nhiên bạn đừng nên dùng thẻ này nếu không quen. Bạn nạp tiền trước và thay vì phải nhét vào khe máy như thẻ từ bạn chỉ cần áp thẻ lên ô tính tiền ở máy soát vé. Như vậy bạn cũng không cần lấy thẻ ra mà chỉ cần rút ví ra và áp ví vào, sẽ thuận tiện hơn thẻ từ.
- Điện thoại di động: Một số điện thoại di động có tính năng dùng làm thẻ SUICA. Bạn chỉ cần đăng ký điện thoại của bạn và đi tàu bằng cách để điện thoại lên máy tính tiền. Tiền đi tàu của bạn sẽ được tính và trả chung với tiền điện thoại - tức là bạn không cần mang thẻ theo người và không cần nạp tiền luôn.
Đi khắp nước Nhật bằng tàu JR
Nhật Bản có một hệ thống đường sắt chạy thông suốt nước Nhật là hệ thống tàu JR (Japan Railway) - hệ thống tàu quốc doanh của Nhật. Tàu JR cũng chạy các tuyến chính ở trung tâm Tokyo. Bạn chỉ cần lên ga tàu JR là có thể đi khắp nước Nhật. Tất nhiên là bạn phải đổi tàu ở một số nơi trên đường đi. Mục đích đổi tàu là:
- Đổi sang tuyến khác hoặc hướng khác
- Đổi sang tàu chạy nhanh hơn (Nhật có nhiều tàu trên cùng tuyến với các trạm dừng khác nhau: Local kakutei sẽ dừng ở mọi ga, Express tokkyu sẽ chỉ dừng ở ga lớn, Semi-Express kaisoku sẽ dừng ở một số ga, ngoài ra còn có kyukou, jun-tokkyu,...)
Ví dụ: Đi từ ga Yokohama - ga Shizuoka (200 km) cần khoảng 3500 yên.
Xe buýt tốc độ cao
Bạn có thể đi liên tỉnh bằng xe buýt tốc độ cao (高速バス kousoku basu) chạy ban đêm với giá rất phải chăng, ghế ngồi thoải mái (có thể nằm ngả lưng ngủ). Bạn sẽ đặt vé online hay đặt ở đại lý bán vé bằng số điện thoại và email của bạn. Hãng xe bus sẽ gửi bạn thông tin địa điểm chờ, thời gian xuất hành cho bạn (ví dụ ga Shinjuku - Tokyo). Bạn đến đó và lên xe đi, sáng hôm sau tới nơi.
Ví dụ: Đi từ Aomori - Tokyo: 6000 yên ~ (600 km), Tokyo - Osaka (500 km): 6000 yên ~
Tàu siêu tốc shinkansen
Đây là hình thức giao thông cực kỳ thuận tiện, tuy nhiên chi phí không rẻ. Bạn sẽ lên ở các ga shinkansen (新幹線 tân cán tuyến) (thường là các ga lớn như Shinagawa, Tokyo, Shinjuku,....) và mua vé tại phòng vé. Đi lại bằng shinkansen cũng giống như đi máy bay: Nhanh chóng, an toàn, không mệt mỏi. Ví dụ đi từ Tokyo đến Osaka sẽ mất khoảng 2 giờ rưỡi và tiền vé khoảng 20,000 yên.
Máy bay
Vé máy bay tại Nhật sẽ khá đắt, nhiều khi còn đắt hơn là đi du lịch nước ngoài. Bạn có thể đặt vé tại các trang web online.
Thanh toán hóa đơn tại Nhật Bản
Bạn sẽ phải thanh toán hóa đơn rất nhiều thứ: Điện thoại, internet, điện, nước, ga, truyền hình,.... Ở Nhật việc thanh toán hóa đơn cực kỳ thuận tiện. Các cách thanh toán hóa đơn như sau:
Cách 1: Hóa đơn gửi về nhà bạn. Bạn sẽ cầm hóa đơn ra cửa hàng tiện lợi (コンビニ kombini = convinience store) và trả tiền. Nhân viên cửa hàng sẽ quét mã vạch, nhận tiền và đóng dấu chứng nhận đã trả tiền. Đây là cách đơn giản nhất.
Cách 2: Thanh toán qua ngân hàng. Thường khi bạn ký hợp đồng điện, ga, điện thoại... mới, bên cung cấp sẽ hỏi bạn có thanh toán qua ngân hàng không. Nếu có bạn chỉ cần ghi thông tin vào đơn của họ, đóng dấu. Họ sẽ đưa giấy tờ lên ngân hàng làm thủ tục và tiền hàng tháng sẽ được trừ trực tiếp từ ngân hàng. Vì có nhiều trường hợp dùng xong rồi không trả tiền nêu các hãng điện thoại đều yêu cầu trả tiền qua ngân hàng (nghĩa là bạn không có tài khoản ngân hàng thì sẽ không mua điện thoại được).
Cách 3: Trả tiền qua thẻ tín dụng. Cũng như trên, bạn làm giấy tờ và tiền sẽ trừ trực tiếp từ tài khoản tín dụng của bạn. Đây là hình thức cao nhất để bạn không thể xù nợ. Vì thẻ tín dụng sẽ khá rắc rối sau này nên bạn cần hết sức cân nhắc khi chọn trả qua cách này.
Mua điện thoại tại Nhật
Tại Nhật bạn sẽ phải ký hợp đồng 2 năm với hãng điện thoại (và sẽ phải trả tiền tự động qua tài khoản ngân hàng) mới có thể mua được điện thoại. Bạn sẽ phải trả các chi phí sau:
- Chi phí làm hợp đồng: Khoảng 3000 yên (một lần duy nhất)
- Chi phí hàng tháng: Tiền thuê bao (tùy plan bạn sử dụng) + Tiền thuê bao email (nếu dùng) + Tiền sử dụng điện thoại, tin nhắn + Tiền sử dụng nét + Tiền máy trả hàng tháng
Bạn mua điện thoại càng xịn thì tiền máy trả hàng tháng càng lớn (thường 1,000 yên ~ 3,000 yên). Nếu bạn chọn điện thoại 0 yên thì bạn sẽ không phải trả tiền máy.
Có ba hãng điện thoại là Softbank (thị phần 20%), AU (thị phần 30%), Docomo (thị phần 50%). Chi phí cơ bản thường như sau:
- Softbank: 1,200 yên ~ (300 yên cho sử dụng email)
- AU: 2,500 yên ~
- Docomo: 3,500 yên ~
Chi phí điện thoại hàng tháng trung bình: 3,000 ~ 5,000 yên. Thuê bao hàng tháng càng rẻ thì chi phí cuộc gọi thường sẽ càng mắc.
Để đăng ký điện thoại tại Nhật bạn thường sẽ phải có visa ít nhất 90 ngày, có tài khoản ngân hàng. Còn nếu bạn có visa ít hơn thì có thể bạn cần có thẻ tín dụng (để tránh bạn dùng xong rồi chạy mất!).
Điện thoại trả trước AU
Bạn có thể mua điện thoại trả trước của hãng AU, không cần ký hợp đồng. Sau khi mua điện thoại (cỡ 10,000 yên) và hòa mạng (2,500 yên) bạn có thể mua thẻ và nạp vào. Tuy nhiên, chi phí cuộc gọi và tin nhắn sẽ rất mắc: 100 yên/phút, 100 yên/tin nhắn. Nếu bạn có điện thoại AU rồi và chỉ nghe thôi thì có thể chọn loại này.
Điện thoại công cộng
Ở Nhật hệ thống điện thoại công cộng rất phát triển. Bạn chỉ cần bỏ đồng 10 yên vào là có thể bắt đầu cuộc gọi. Khi nghe thấy tiếng "tít" bạn sẽ bỏ thêm tiền vào (10 yên, 50 yên, 100 yên). Chú ý là bạn nên chuẩn bị tiền lẻ vì máy sẽ không trả lại tiền thừa. Mặc dù giá điện thoại công cộng khá rẻ (bằng điện thoại cố định) nhưng bạn lại phải chạy ra ngoài gọi, và bạn sẽ không nhận cuộc gọi được.
Điện thoại cố định
Bạn có thể lắp điện thoại cố định NTT, tuy nhiên chi phí mua đường dây không rẻ (khoảng 30,000 yên, tức 8 triệu đồng). Bạn có thể mua lại quyền sử dụng từ người khác với giá rẻ hơn nhiều (10,000 ~ 20,000 yên), gọi là NTT電話使用権 (NTT denwa shiyouken). Các rao bán này thường rao trên các trang đấu giá, rao vặt tại Nhật.
(còn nữa)